Ra mắt Mạng lưới liên kết Giáo dục đặc biệt Việt Nam

Th1216

Ra mắt Mạng lưới liên kết Giáo dục đặc biệt Việt Nam

Sắc Hoàng Tin tức

Ngày 16/12, tại Hà Nội đã diễn ra lễ công bố và ra mắt Mạng lưới liên kết giáo dục đặc biệt Việt Nam- thành viên của Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam.

Các thành viên tham dự Lễ ra mắt Mạng lưới liên kết giáo dục đặc biệt Việt Nam
Các thành viên tham dự Lễ ra mắt Mạng lưới liên kết giáo dục đặc biệt Việt Nam

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam Đặng Văn Thanh cho hay, Mạng lưới liên kết giáo dục đặc biệt Việt Nam hiện có 15 trung tâm là thành viên trực thuộc. Khi đã trở thành thành viên của Liên hiệp Hội, mạng lưới cần tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình, góp phần tạo ra những cơ hội để người khuyết tật được hòa nhập nhanh hơn với xã hội.

Theo Thạc sỹ Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch Mạng lưới liên kết giáo dục đặc biệt Việt Nam, việc thành lập mạng lưới là kết quả của sự gắn kết và mong muốn về một tổ chức có định hướng chung, bài bản, chuyên nghiệp, áp dụng các phương pháp mang tính khoa học và chính thống vào công tác can thiệp, giáo dục hỗ trợ trẻ khuyết tật. Điều này có vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện triển khai các dự án kết nối các trung tâm có cùng chung mục tiêu hỗ trợ trẻ em khuyết tật Việt Nam. Đồng thời, tạo điều kiện cho các đơn vị trực thuộc mạng lưới được kết nối với các chuyên gia, các tổ chức trong và ngoài nước để có thể cùng nhau mang lại những giá trị tốt nhất cho trẻ khuyết tật Việt Nam.

Chúc mừng sự ra mắt của mạng lưới, TS Tạ Ngọc Trí – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học khẳng định, thời gian qua, các cấp ủy Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến người khuyết tật bằng nhiều chính sách cụ thể. Tuy nhiên, để phát huy cao độ mọi nguồn lực thì cần huy động sức mạnh của toàn xã hội vào việc chăm lo cho người khuyết tật, để họ hòa nhập cộng đồng.

Nhờ có giáo dục nên trẻ khuyết tật đã làm được nhiều thứ ngoài sức tưởng tượng. Nếu chúng ta quan tâm đến những người không may mắn một cách phù hợp, họ còn có thể đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của xã hội. Toàn xã hội cần chung tay giáo dục cho học sinh khuyết tật là điều rất đáng trân trọng. Mạng lưới liên kết giáo dục đặc biệt đã hỗ trợ cho ngành Giáo dục để trẻ khuyết tật được học tập.

“Bộ GD&ĐT luôn mong muốn tạo cơ hội học tập bình đẳng cho học sinh khuyết tật. Đây cũng là nhân tố quan trọng để Bộ thực hiện công tác giáo dục hòa nhập ngày càng hiệu quả hơn. Các thầy cô ở các trung tâm trong Mạng lưới liên kết giáo dục đặc biệt Việt Nam là những người được đào tạo bài bản và rất tâm huyết. Tôi hi vọng các thầy cô sẽ tiếp tục gắn bó và yêu nghề để hỗ trợ tối đa cho những em còn kém may mắn được học tập, lao động chính đáng” – TS Tạ Ngọc Trí cho hay.

Bằng kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại Khoa Giáo dục Đặc biệt, trường ĐH Sư phạm Hà Nội với vai trò giảng dạy và quản lý, TS Đỗ Thị Thảo nhấn mạnh: Trong công tác giáo dục cho học sinh khuyết tật, học sinh đặc biệt, nếu chỉ mình thầy cô là chưa đủ mà luôn cần sự chung tay của các tổ chức xã hội, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội và người dân. Những yếu tố này cộng hưởng  sẽ giúp đứa trẻ hòa nhập cộng đồng nhanh hơn, tốt hơn.

Mong rằng, Mạng lưới liên kết giáo dục đặc biệt Việt Nam sớm soạn ra quy chế hoạt động; trong đó nhấn mạnh các yếu tố để xã hội biết đến lợi ích của đứa trẻ, của cha mẹ, của người làm công tác giáo dục đặc biệt và của cộng đồng khi tìm đến các trung tâm- thành viên của mạng lưới. Thêm vào đó, quy chế cũng cần làm rõ những quyền lợi, nghĩa vụ, tiêu chuẩn xét duyệt thành viên…. Có như vậy, mạng lưới mới lớn mạnh, hoạt động bài bản và cùng nhau đi được con đường dài….

Bày tỏ lòng biết ơn với sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, thầy cô giáo, Giám đốc Mạng lưới liên kết giáo dục đặc biệt Việt Nam Nguyễn Thị Thu tin tưởng rằng, cùng công tác định hướng chặt chẽ của các đơn vị, Mạng lưới sẽ có đủ nghị lực, trí tuệ để hỗ trợ cho cộng đồng trẻ em khuyết tật Việt Nam một cách tốt nhất.

Vui lòng cho chúng tôi biết ý kiến của bạn
.
.
.
.